Già hóa dân số nhanh chóng: Không hoàn toàn là gánh nặng

Thứ Tư, 10/04/2019 06:19 PM (GMT+7)

Cũng theo Liên Hợp Quốc, từ năm 2014, Việt Nam đã chính thức bước vào quá trình già hóa dân số, dự báo nước ta sẽ mất không tới 20 năm để tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên tăng từ 7% lên 14% tổng dân số.

dan-so-gia

Đầu năm 2019, đại diện Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), Bộ Y tế cho biết năm 2018 dân số nước ta tăng thêm 1 triệu người so với năm 2017, nâng tổng số dân lên 94,67 triệu người. Như vậy, Việt Nam đang đứng thứ 14 trong số các quốc gia đông dân nhất thế giới.

Với mức gia tăng 1 triệu dân năm 2018, tính trung bình mỗi ngày dân số nước ta tăng khoảng 2.700 người mỗi ngày.

Trong đó, Hà Nội là địa phương có số trẻ sinh ra lớn nhất nước với khoảng 200.000 người trong năm 2018. Với mức sinh này, mỗi năm Hà Nội "sản xuất" ra số trẻ tương đương số dân một huyện lớn.

Hiện nay, dân số Hà Nội tăng nhanh ở cả nội thành và ngoại thành nhưng tăng mạnh nhất là ở những quận có các khu đô thị mới. Đây cũng là có quy mô dân số lớn thứ 2 cả nước (sau TP HCM) với dân số chiếm 8% cả nước/

Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế cho biết, hiện nay mức sinh thay thế tiếp tục duy trì trên phạm vi cả nước, tuy nhiên có sự khác biệt giữa các địa phương.

Theo đó, ở các vùng khó khăn, số con trung bình của một phụ nữ trong tuổi sinh đẻ là 2 - 3 con. Trái lại, ở nơi đô thị, kinh tế phát triển, mức sinh xuống thấp dưới 1,8 con. Đáng chú ý, có tới 16 tỉnh có mức sinh thấp dưới 1,8 con và 4 tỉnh có mức sinh dưới 1,6 con.

Ông Tú cho biết, năm 2019 là năm đầu tiên Bộ Y tế triển khai nghị quyết về công tác dân số trong tình hình mới với mục tiêu là tập trung duy trì vững chắc mức sinh thay thế, hạn chế tốc độ tăng tỉ số giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Đến nay, một số chỉ tiêu cơ bản cần đạt được như: Mức giảm sinh bình quân; tăng tuổi thọ trung bình lên 73,6 tuổi và đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức 114 bé trai/100 bé gái...

Tốc độ già hóa dân số của Việt Nam thuộc nhóm nhanh nhất thế giới

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho rằng, Việt Nam đang đứng trước những thách thức to lớn của quá trình già hóa dân số nhanh chóng. Cụ thể, tuổi thọ trung bình của Việt Nam đã tăng từ 68,6 tuổi năm 1999 lên tới 73,2 tuổi năm 2014, và dự báo sẽ lên 78 tuổi vào năm 2030. Tính đến hết năm 2017, cả nước có 11 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 11,95% dân số, trong đó có khoảng gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên.

Cũng theo Liên Hợp Quốc, từ năm 2014, Việt Nam đã chính thức bước vào quá trình già hóa dân số, dự báo nước ta sẽ mất không tới 20 năm để tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên tăng từ 7% lên 14% tổng dân số, thậm chí đến năm 2038 nhóm cao tuổi ở Việt Nam sẽ chiếm đến 20% tổng dân số.

Điều này sẽ đặt ra những thách thức lớn cho việc đảm bảo hạ tầng an sinh xã hội để đáp ứng đủ nhu cầu của một xã hội già hóa dân số nhanh chóng, trong khi còn nhiều người đang sống ở mức nghèo, cận nghèo...

Tuy nhiên theo TS Nguyễn Ngọc Quỳnh, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, già hóa dân số cũng cần được nhìn nhận trên khía cạnh tích cực. "Dân số cao tuổi không có nghĩa hoàn toàn là gánh nặng mà đây là cơ hội lớn cho các ngành kinh tế dịch vụ cho người cao tuổi. Thậm chí ở Trung Quốc thị trường này rất triển vọng khi tỷ lệ người cao tuổi chi cho các dịch vụ chiếm 165 tỷ USD/năm”, bà Quỳnh thông tin. Cũng theo bà Quỳnh, người cao tuổi còn là lao động cho xã hội, với khoảng 46% người cao tuổi Việt Nam vẫn đang làm các công việc được trả lương.

Bà Quỳnh cũng cho rằng những thách thức của già hóa dân số là những điều mà Việt Nam không thể bỏ qua. Do đó, thích với già hóa dân số không chỉ là giải quyết vấn đề của người cao tuổi mà cần có chính sách tiếp cận toàn diện, theo vòng đời để chuẩn bị cho giai đoạn dân số già.

"Điều quan trọng là các nhà hoạch định chính sách phải ý thức về xu hướng già hóa và đảm bảo người cao tuổi tiếp tục đóng vai trò tích cực trong cộng đồng để tránh bị cô lập. Bởi vì, cô lập có tác động tiêu cực đến sức khỏe và giải quyết nó thực sự quan trọng", bà Quỳnh nhấn mạnh.

Cũng cho rằng, người cao tuổi vẫn là một lực lượng lao động lớn, Ths. Lê Minh Giang, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam cho rằng, để tận dụng được nguồn nhân lực này cần phải tạo thuận lợi trong việc tiếp cận của người cao tuổi với vốn tín dụng để phát triển sản xuất kinh doanh, thành lập doanh nghiệp...

Tuy nhiên, để thích ứng với già hóa dân số, cần phát triển và tăng cường quản lý dịch vụ chăm sóc xã hội, cũng như có cơ chế phối hợp công tư trong cung ứng dịch vụ chăm sóc xã hội. Đặc biệt là khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi cũng như gắn kết giữa chăm sóc y tế tại cộng đồng với dịch vụ chăm sóc xã hội chính thức và phi chính thức./.

Duyen

Cùng chuyên mục

Kết quả thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới

Kết quả thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII...

Công tác dân số năm 2024: Nhiều hoạt động tạo sự lan toả tốt tới cộng đồng, người dân

Sáng ngày 27/12/2024, tại Hà Nội, Cục Dân số, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tổng kết công tác dân số năm 2024,...

Hội nghị tổng kết công tác dân số năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025

Ngày 27/12, Cục Dân số tổ chức Hội nghị tổng kết công tác dân số năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Tham...

Tham vấn chính sách duy trì mức sinh thay thế tại Việt Nam

Ngày 11/12/2024 tại Hà Nội, Cục Dân số (Bộ Y tế) phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức hội...