Hàn Quốc loay hoay tìm câu trả lời cho bài toán khó về dân số

Chủ Nhật, 10/11/2019 05:45 PM (GMT+7)

Với dân số già hóa nhanh chóng, tỷ lệ sinh thấp và thanh niên ngày càng sợ kết hôn, Hàn Quốc đang phải tìm câu trả lời cho một bài toán khó về dân số.

dan-so-han-quoc

Khi các quốc gia trải qua thay đổi kinh tế, những tác động của quá trình chuyển đổi không chỉ về khía cạnh tài chính, chúng cũng có ý nghĩa rất lớn đối với dân số.

Đây chính là trường hợp của Hàn Quốc. Trong 3 thế hệ qua, đất nước này đã phát triển vượt bậc so với các quốc gia khác nhờ quá trình công nghiệp hóa diễn ra nhanh chóng. Ngày nay, nền kinh tế Hàn Quốc trị giá 1,6 nghìn tỷ USD – lớn thứ 4 châu Á sau Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ.

Nền kinh tế của quốc gia Đông Á phát triển nhanh chóng kéo theo sự thay đổi trong cơ cấu dân số. Hàn Quốc đang trở thành một ví dụ cực đoan của chuyển đổi nhân khẩu học - thời kỳ gia tăng dân số chậm lại, thậm chí suy giảm và cuối cùng ổn định khi các quốc gia trở nên giàu có hơn đồng thời tỷ lệ kết hôn và sinh sản thấp, không thay thế được dân số của thế hệ trước. Tình trạng này đang trở thành một vấn đề hóc búa cho sự phát triển của Hàn Quốc trong tương lai.

Tỷ lệ sinh sản thấp

han-quoc

Hàn Quốc có tỷ lệ sinh sản thấp nhất thế giới (trung bình 1,1 con/mẹ)

Hàn Quốc có tỷ lệ sinh sản thấp nhất thế giới. Một phụ nữ Hàn Quốc chỉ sinh trung bình 1,1 trẻ em, thấp hơn bất kỳ quốc gia nào khác, trong khi tỷ lệ trung bình toàn cầu là khoảng 2,5 trẻ em/mẹ. Tỷ lệ sinh của Hàn Quốc đã giảm dần từ đầu những năm 1950 đến nay: Từ 5,6 xuống còn 1,1 trẻ em/phụ nữ.

Đây thực sự là một nghịch lý đối với một quốc gia có dân số đang già đi nhanh chóng. Một yếu tố quan trọng quyết định ổn định dân số là “mức sinh thay thế”: số con trung bình của một người phụ nữ trong độ tuổi sinh đủ trẻ em để cân bằng số ca tử vong của các thế hệ trước. Trên khắp thế giới, con số này là 2,1, đồng nghĩa với việc tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc không đạt mức sinh thay thế.

Thanh niên Hàn Quốc ngại kết hôn

Phụ nữ Hàn Quốc không chỉ lựa chọn có ít con, thậm chí một số người còn từ bỏ hoàn toàn các mỗi quan hệ lãng mạn. Một số lượng phụ nữ ngày càng tăng lựa chọn không bao giờ kết hôn để có thể tận hưởng cuộc sống độc lập và tập trung vào sự nghiệp.

Sự chuyển đổi này là dấu hiệu của một hiện tượng xã hội đang nổi lên ở Hàn Quốc: Thế hệ Sampo. Sampo trong tiếng Hàn có nghĩa là từ bỏ 3 thứ: các mối quan hệ, hôn nhân và con cái.

Tỷ lệ kết hôn của người dân Hàn Quốc trong độ tuổi sinh đẻ (1970 -2015)

Thống kê phản ánh sự thay đổi mạnh mẽ trong văn hóa Hàn Quốc: tỷ lệ kết hôn của những người trong độ tuổi sinh đẻ - cả nam và nữ - đã giảm mạnh trong 4 hoặc 5 thập kỷ qua. Trong cuộc điều tra dân số vào năm 2015, chưa đến ¼ (23%) phụ nữ Hàn Quốc ở độ tuổi 25 – 29 nói rằng họ đã kết hôn, giảm mạnh từ mức 90% vào năm 1970.

Tuổi thọ đáng nể

 Trong các giai đoạn sau của quá trình chuyển đổi nhân khẩu học, những cải tiến trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đã giúp kéo dài tuổi thọ của dân số. Hàn Quốc chính là một ví dụ điển hình. Tuổi thọ của quốc gia này đã tăng nhanh trong nửa sau của thế kỷ 20 trong bối cảnh công nghiệp hóa.

Vào nửa đầu thập niên 50 của thế kỷ trước, tuổi họ trung bình của Hàn Quốc chỉ gần 42 (37 tuổi đối với nam giới, và 47 tuổi đối với nữ giới). Ngày nay, quốc gia Đông Á là một trong những nước có tuổi thọ cao nhất thế giới – xếp thứ 12 trong giai đoạn 2015-2020, ngang với Iceland.

Một đứa trẻ trung bình được sinh ra ở Hàn Quốc có thể sống đến 82 tuổi (79 đối với nam và 85 đối với nữ). Ngược lại, tuổi thọ trung bình toàn cầu chỉ là 72 tuổi (gần 70 với nam giới và 74 đối với nữ giới).

LHQ dự đoán rằng tuổi thọ sẽ tiếp tục được cải thiện. Đến cuối thế kỷ này, một đứa trẻ trung bình được sinh ra ở Hàn Quốc có thể sống tới 92 tuổi (89 với nam và 95 với nữ). Một nghiên cứu khác được công bố trên Lancet cho thấy phụ nữ Hàn Quốc được dự đoán là những người đầu tiên trên thế giới đạt tuổi thọ trung bình trên 90. Các nhà nghiên cứu cho rằng điều này sẽ xảy ra vào năm 2030 với tỷ lệ chuẩn xác là 57%.

Nghịch lý dân số

 Vào năm 1950, dưới 3% dân số Hàn Quốc sống trên 64 năm. Ngày nay, con số này ở mức 15%. Vào giữa thập niên 60 của thế kỷ 21, LHQ dự đoán tỷ lệ những người trên 65 ở Hàn Quốc sẽ đạt mức cao hơn 40%. Điều này đồng nghĩa rằng dân số Hàn Quốc sẽ trở nên rất già.

Tỷ lệ sinh thấp, ít hôn nhân hơn và sống thọ hơn kết hợp với nhau khiến dân số Hàn Quốc già đi nhanh hơn bất kỳ quốc gia phát triển nào khác. Một dân số có tuổi thọ dài đồng nghĩa với việc có nhiều người già hơn và phụ nữ ít sinh con hơn khiến cho thế hệ tiếp theo không thể thay thế số lượng người già này khi họ qua đời.

Cuối cùng, hệ quả là dân số Hàn Quốc sẽ bắt đầu giảm. LHQ dự đoán dân số Hàn Quốc sẽ đạt đỉnh vào khoảng năm 2024 và sau đó bắt đầu giảm. Đến năm 2100, LHQ dự báo dân số Hàn Quốc sẽ còn khoảng 29 triệu người – tương đương với năm 1966.

Nhưng đây chỉ là những dự đoán dựa trên kịch bản trung bình của LHQ. Có nhiều yếu tố khác sẽ ảnh hưởng đến dân số Hàn Quốc bao gồm xu hướng sinh sản hay di cư có thể thay đổi.

Duyen

Cùng chuyên mục

Kết quả thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới

Kết quả thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII...

Công tác dân số năm 2024: Nhiều hoạt động tạo sự lan toả tốt tới cộng đồng, người dân

Sáng ngày 27/12/2024, tại Hà Nội, Cục Dân số, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tổng kết công tác dân số năm 2024,...

Hội nghị tổng kết công tác dân số năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025

Ngày 27/12, Cục Dân số tổ chức Hội nghị tổng kết công tác dân số năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Tham...

Tham vấn chính sách duy trì mức sinh thay thế tại Việt Nam

Ngày 11/12/2024 tại Hà Nội, Cục Dân số (Bộ Y tế) phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức hội...