Không bỏ lỡ cơ hội “dân số vàng”

Chủ Nhật, 10/11/2019 02:42 PM (GMT+7)

Đặc điểm nổi bật của dân số Việt Nam trong giai đoạn dân số vàng là cả số lượng và tỷ lệ dân số trong độ tuổi 15-64 rất lớn, chiếm khoảng gần 70% tổng dân số. Khoảng nửa dân số trong độ tuổi lao động dưới 34 tuổi càng thuận lợi cho việc tiếp thu KHKT và linh hoạt trong chuyển đổi nghề.

dan-so-vang

Hàng triệu đàn ông có nguy cơ “ế vợ”

Số liệu mới nhất của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) cho thấy, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh của Việt Nam vẫn được tiếp tục gia tăng trong những năm gần đây. 55 trong số 63 tỉnh, thành trên cả nước có sự chênh lệch giới tính, trung bình tỷ lệ giới tính khi sinh với 115 bé trai/100 bé gái, tăng 3% so với năm 2017; không đạt được mục tiêu giảm chênh lệch giới tính đề ra.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ sớm trở thành nước dân số già với phân bố dân cư không đồng đều, tỷ lệ di cư, đô thị hóa, tích tụ dân số vào một số vùng đang diễn ra khá mạnh. Mặc dù khống chế nhưng mật độ dân số còn cao. Mật độ dân số của Việt Nam là 290 người/km2, gấp 5 lần so với mật độ dân số trung bình trên thế giới. Đây là thực trạng Việt Nam đang gặp phải.

“Đây là hệ quả của việc coi trọng con trai, lựa chọn giới tính thai nhi. Nếu không sớm có những giải pháp triệt để thì mất cân bằng giới tính sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội, trong đó người phụ nữ sẽ phải kết hôn sớm, gia tăng tình trạng bạo lực, lạm dụng tình dục và hơn hết hàng triệu đàn ông Việt Nam sẽ không lấy được vợ”, đại diện Tổng cục DS-KHHGĐ nhấn mạnh.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, chương trình dân số cũng đang phải đối mặt với những vấn đề mới như: Làm thế nào để duy trì mức sinh thay thế, tận dụng cơ cấu dân số vàng, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, thích ứng với già hóa dân số, nâng cao chất lượng dân số, phân bố dân cư hợp lý, lồng ghép các yếu tố dân số trong phát triển kinh tế - xã hội. Những vấn đề này đã, đang và sẽ tác động sâu rộng đến sự phát triển của đất nước, đến chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội theo cả hai chiều: mang lại cơ hội và gây ra thách thức.

Chủ động tận dụng cơ hội

Ông Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội - Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, năm 2017, Việt Nam có 93,7 triệu dân, có hơn 63,7 triệu người trong độ tuổi lao động. Đây là dư lợi lớn của “dân số vàng” góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Đặc điểm nổi bật của dân số trong giai đoạn dân số vàng là cả số lượng và tỷ lệ dân số trong độ tuổi 15-64 rất lớn, chiếm khoảng gần 70% tổng dân số. Khoảng nửa dân số trong độ tuổi lao động dưới 34 tuổi càng thuận lợi cho việc tiếp thu khoa học, kỹ thuật và linh hoạt trong chuyển đổi nghề.

Tuy nhiên, cơ cấu “dân số vàng” cũng đặt ra không ít những khó khăn, thách thức cần giải quyết, như tốc độ tăng nhanh của số dân trong độ tuổi lao động sẽ có thể trở thành gánh nặng cho xã hội, nếu quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp cao và năng suất lao động thấp.

Ở nước ta thời điểm này, lực lượng lao động đông về số lượng, nhưng chất lượng chưa cao, thiếu hụt nghiêm trọng lao động có tay nghề, kỹ năng quản lý còn bất cập. Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động trong nông nghiệp cao nhưng diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp do quá trình đô thị hóa và chuyển đổi mục đích sử dụng đất, dẫn đến gia tăng tình trạng thiếu việc làm cho thanh niên. Tỷ lệ thanh niên di cư tăng nhanh, nhưng các chính sách lao động, việc làm và các dịch vụ xã hội chưa được điều chỉnh kịp thời.

Theo các chuyên gia dân số, để nâng cao hiệu quả thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” cần làm chậm quá trình “già hóa dân số”, tăng cơ hội việc làm, nhất là những việc làm tạo giá trị gia tăng, đa dạng hóa ngành nghề ở nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác thông tin và dự báo cung- cầu nhân lực từng nghề, ngành. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống các chính sách sử dụng lao động, lấy hiệu quả làm việc là tiêu chí ưu tiên hàng đầu trong sử dụng và đãi ngộ lao động.

Ngoài ra, cần ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong công tác đăng ký, quản lý và thống kê dân số, bảo đảm cung cấp chính xác, hiệu quả và kịp thời các số liệu cơ bản về dân số, phục vụ công tác nghiên cứu, phân tích, dự báo, triển khai chính sách trong bối cảnh xã hội biến đổi nhanh và đa dạng.

Duyen

Cùng chuyên mục

Kết quả thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới

Kết quả thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII...

Công tác dân số năm 2024: Nhiều hoạt động tạo sự lan toả tốt tới cộng đồng, người dân

Sáng ngày 27/12/2024, tại Hà Nội, Cục Dân số, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tổng kết công tác dân số năm 2024,...

Hội nghị tổng kết công tác dân số năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025

Ngày 27/12, Cục Dân số tổ chức Hội nghị tổng kết công tác dân số năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Tham...

Tham vấn chính sách duy trì mức sinh thay thế tại Việt Nam

Ngày 11/12/2024 tại Hà Nội, Cục Dân số (Bộ Y tế) phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức hội...