Tham dự Hội thảo có TS. Phạm Vũ Hoàng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - KHHGĐ, TS. Hiroki Nakatani, Cố vấn cấp cao về Dịch vụ chăm sóc sức khỏe Viện Nghiên cứu Kinh tế Đông Á và ASEAN, TS. Sasaki Shohei, Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, GS. Tetsuo Tsuji, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cùng các đại biểu là những nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, doanh nghiệp, cung cấp dịch vụ, nghiên cứu, giảng dạy… liên quan đến lĩnh vực y tế - dân số và chăm sóc người cao tuổi ở Nhật Bản và Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Phạm Vũ Hoàng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số cho biết, già hóa dân số là một trong những biến đổi nhân khẩu lớn nhất trên thế giới hiện nay. Tỷ trọng và số lượng người cao tuổi ngày càng tăng lên nhanh chóng, đặc biệt tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Già hóa dân số đã, đang và sẽ tác động rất lớn đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng, trong đó có chăm sóc cho người cao tuổi bao gồm chăm sóc y tế và xã hội.
Nhật Bản hiện là quốc gia có dân số siêu già. Năm 2022, số người từ 65 tuổi trở lên tại Nhật Bản là 36,2 triệu người, chiếm 29% tổng dân số. Dự báo đến năm 2030, nhóm dân số cao tuổi sẽ tăng lên là 37,3 triệu người nhưng lại chiếm tới 31% tổng dân số do mức sinh giảm, quy mô dân số giảm và sẽ tiếp tục tăng lên đến gần 40% tổng dân số vào năm 2060. Nhật Bản là quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng một xã hội dân số già như việc tái cấu trúc hệ thống y tế, chăm sóc lão khoa, xây dựng và quản trị cơ sở chăm sóc người cao tuổi, xây dựng các chế độ chính sách an sinh xã hội, lao động, thiết kế cơ sở hạ tầng và việc phát huy vai trò, chăm sóc người cao tuổi… Những kinh nghiệm từ thực tế Nhật Bản là những bài học quý báu cho Việt Nam trong việc xây dựng xã hội chủ động thích ứng với già hóa dân số.
Việt Nam bắt đầu giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 với số người từ 65 tuổi trở lên chiếm 7% tổng dân số. Thời gian để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang dân số già rất ngắn, khoảng 25 năm. Theo dự báo, đến năm 2036, tỷ trọng nhóm dân số từ 65 tuổi trở lên đạt 14,2% tổng dân số. Đến năm 2055, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số siêu già. Tỷ trọng nhóm dân số từ 65 tuổi trở lên năm 2056 và năm 2069 lần lượt chiếm 21,1% và 21,5% tổng dân số. Nếu như năm 2019, cứ 2 trẻ em thì có một người cao tuổi thì 50 năm sau (năm 2069), cứ 2 trẻ em sẽ có 3 người cao tuổi. Trong bối cảnh nước ta còn là một nước đang phát triển, già hóa dân số với tốc độ nhanh mang đến những thách thức lớn hơn so với một quốc gia phát triển như Nhật Bản.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày và thảo luận các nội dung tổng quan về già hóa và tình trạng sức khỏe của người cao tuổi Việt Nam, vấn đề xây dựng chính sách, khung pháp lý và kinh nghiệm thực tế thích ứng với già hóa dân số, vai trò và sự tham gia của của khu vực tư nhân trong chăm sóc người cao tuổi, vấn đề chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng cũng như phát triển kinh doanh và phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh già hóa dân số.
Các đại biểu cũng thảo luận về lộ trình tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản, những ý tưởng, dự án cho một xã hội già hóa dân số, làm thế nào để kêu gọi tất cả các bên liên quan cùng nhau xây dựng một xã hội già hóa khỏe mạnh và năng động ở Việt Nam. Hai bên đều bày tỏ hy vọng các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực y tế - dân số giữa Việt Nam - Nhật Bản sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần bồi đắp hơn nữa mối quan hệ hợp tác bền vững giữa hai quốc gia, đặc biệt trong dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (21/9/1973 – 21/9/2023).
Cùng chuyên mục