Nguyên nhân gây nhức mỏi
Trong nhiều trường hợp, nhức mỏi chính là biểu hiện của việc điều trị chưa đúng mức hoặc chưa kiểm soát được bệnh. Tuy nhiên, mệt mỏi và đau nhức có thể là biểu hiện của nhiều nguyên nhân khác như thiếu ngủ trầm trọng, tuổi tác, ít vận động. Thông thường khi một hoặc nhiều quá trình chuyển hoá trong cơ thể bị gián đoạn là lúc hiện tượng nhức mỏi xuất hiện, bao gồm những nguyên nhân sau:
- Cảm giác thất vọng và những rối loạn về tinh thần
- Những vấn đề về lưu thông máu
- Khó thở và các bệnh liên quan đến phổi
- Sự mất cân bằng về hoóc-môn, như thời kỳ tiền mãn kinh ở phụ nữ và sự giảm hoạt động của tuyến giáp
- Suy dinh dưỡng do thiếu các vitamin và khoáng chất
- Rối loạn trao đổi chất
- Những hiện tượng suy giảm miễn dịch
Triệu chứng nhức mỏi mạn tính thường xảy ra mà không có nguyên nhân rõ ràng, và triệu chứng mạn tính này có thể dẫn đến bệnh nhức mỏi nghiêm trọng mặc dù chúng ta không có bệnh. Đôi khi nhức mỏi còn là biểu hiện tác dụng phụ của một quá trình điều trị bệnh.
Mối liên hệ giữa thời tiết và những cơn đau
GS Will Dixon, chuyên khoa xương khớp tại Bệnh viện Salford Royal (Anh) từng thực hiện một nghiên cứu cho thấy có một mối liên hệ nào đó giữa thời tiết, nhiệt độ lạnh, độ ẩm, lượng mưa và những cơn đau mỏi người. Điều này đặc biệt thấy rõ ở người lớn tuổi hay những người có bệnh mạn tính.
Nguyên nhân là do sức đề kháng của cơ thể ở người lớn tuổi giảm sút và các yếu tố gây bệnh như vi khuẩn, virus dễ dàng tấn công. Đặc biệt, đối với những người bệnh thoái hóa khớp mạn tính, cơn đau sẽ biểu hiện rõ rệt hơn khi thay đổi thời tiết đột ngột.
Theo lương y Nguyễn Văn Sử, Hội Đông y Việt Nam, các điều kiện tự nhiên như mưa, nắng, gió, nhiệt độ nóng lạnh, độ ẩm… trong Đông y coi là tà khí. Con người vẫn chung sống bình thường và thích nghi với sự thay đổi của những tà khí này trong điều kiện thời tiết tự nhiên.
Nhưng khi thời tiết giao mùa, các điều kiện khí hậu tự nhiên này thường có sự biến đổi đột ngột hoặc trở nên khắc nghiệt, các tà khí sẽ tấn công cơ thể và gây phát sinh bệnh tật hoặc làm tăng nặng các biểu hiện bệnh mạn tính sẵn có trong cơ thể. Ngoài ra, cũng có những trường hợp người cao tuổi bị nhức mỏi, đau cơ, chuột rút là do cơ thể thiếu một số khoáng chất như magie, canxi, sắt, kẽm…
Hoặc đối với người hoạt động quá nhiều và căng thẳng, hoặc ngược lại chỉ làm việc thụ động cơ bắp, ít vận động cũng gây ra tình trạng đau nhức, mỏi mệt, uể oải. Khi gặp thời tiết thay đổi những cơn đau này càng có nguy cơ phát triển tăng lên.
Các nhà khoa học khí quyển trên thế giới cho rằng, tác động của thời tiết lên cơ thể con người vô cùng đa dạng, thậm chí còn có hẳn một chuyên ngành khoa học nghiên cứu về những thay đổi của cơ thể do thời tiết có tên gọi biometeorology (sinh học – khí tượng). Nhà nghiên cứu về ảnh hưởng sinh học của thời tiết Jennifer Vanos, thuộc Đại học Kỹ thuật Texas (Hoa Kỳ) cho biết, khi thời tiết thay đổi, áp suất khí quyển thay đổi, có thể dẫn đến các nguy cơ ảnh hưởng sức khoẻ xương khớp như chứng đau nhức xương khớp, đau mình mẩy, chân tay tế buốt, nhức mỏi…
Tự thay đổi để thích nghi
BS Nguyễn Văn Hùng, nguyên bác sĩ Bệnh viện 105 cho rằng, việc một số người bị ảnh hưởng sức khoẻ bởi sự thay đổi thời tiết là không thể tránh khỏi, nhưng có thể giảm thiểu những tác động ảnh hưởng này bằng cách rèn luyện thân thể, tập thể dục thể thao đều đặn để nâng cao sức khoẻ.
Luyện tập được xem như một liều thuốc quý, rất có ích đối với sức khoẻ con người và đặc biệt cực kỳ công hiệu trong việc giảm đau nhức. Tuy nhiên, người cao tuổi nên lựa chọn hình thức luyện tập phù hợp theo độ tuổi, sức lực và sở thích, ví dụ như những môn thể thao bơi lội, đi bộ, đạp xe, bóng bàn, khiêu vũ dưỡng sinh nhẹ nhàng…; không nên tham gia các hoạt động cần sự vận động mạnh, linh hoạt, tốn nhiều sức, bởi chính sự hoạt động quá sức cũng lại là một nguyên nhân gây đau nhức cơ thể ở người lớn tuổi.
Bên cạnh đó, người già cũng nên tham khảo và áp dụng một chế độ dinh dưỡng khoa học, cân bằng và đa dạng hóa việc thu nạp các loại vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa và các chất dinh dưỡng khác. Điều này cũng góp phần tích cực trong việc giảm đau nhức các khớp, xương. Nên hạn chế các chất béo từ mỡ động vật, thay vào đó hãy sử dụng dầu thực vật giàu omega-3. Nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả, uống đủ nước mỗi ngày.
Ngoài ra, theo Lương y Nguyễn Văn Sử, vào thời điểm giao mùa hoặc trong những ngày thời tiết thay đổi, cảm giác đau nhức, buồn chân buồn tay thường khiến người già khó ngủ, thì có thể ngâm chân khoảng 30 phút buổi tối trước khi ngủ. Ngâm chân trong nước ấm giúp máu huyết lưu thông, có thể giúp điều trị một loạt triệu chứng khó chịu như đau nhức xương khớp, ngủ không ngon, tinh thần uể oải, tâm lý bất an.
Có thể bổ sung thêm các loại thảo mộc như gừng, ngải cứu, lá lốt, thiên niên kiện, quế khấu… vào nước ngâm chân, có tác dụng rất tốt cho cơ thể, cải thiện tuần hoàn máu, tăng cường khả năng miễn dịch, tiêu viêm, kháng khuẩn, phòng và trị cảm lạnh, đau nhức xương khớp ở người già…
Cùng chuyên mục
Cấy que tránh thai là một phương pháp tránh thai hiện đại, có độ tin cậy cao và đang là sự lựa chọn của rất...
Vòng tránh thai nội tiết có chứa progesterone, hormone này giúp ngăn chặn hoạt động của chu kỳ nội mạc tử cung do...
Đặt vòng là phương pháp được sử dụng rộng rãi vì chi phí hợp lý, thủ thuật đơn giản và hiệu quả cao, an...
Y học phát triển kèm theo các dự luật về kế hoạch hóa gia đình cũng như sự cởi mở trong lối sống khiến cho nhu...