Những nguy hiểm của việc mang bầu trên vết mổ đẻ cũ

Thứ Hai, 22/04/2019 01:56 PM (GMT+7)

Mới đây, bệnh nhân L.T.L (24 tuổi, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) được chuyển đến BVĐK tỉnh Tuyên Quang trong tình trạng lơ mơ, mạch và huyết áp không đo được… Các bác sĩ chẩn đoán chị L. đang mang bầu 18 tuần trên vết mổ đẻ cũ và đã vỡ tử cung.

Bệnh nhân bị sốc và mất máu nặng nên nguy cơ tử vong rất cao. Các bác sĩ đã tiến hành mở ổ bụng và hút ra gần 2.000ml máu đông và máu cục. Đồng thời, bác sĩ BV Tuyên Quang cũng phẫu thuật khâu cầm máu bảo tồn tử cung và hồi sức tích cực. Đến thời điểm hiện tại, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định.

Các bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân có tiền sử mổ đẻ ít nhất 3 năm mới nên mang thai lại. Đặc biệt, khi mới mang thai, nếu biết vị trí nằm ở góc sừng thì nên chủ động đình chỉ thai nghén, tránh trường hợp về sau thai phát triển to hơn có thể gây vỡ tử cung, nguy hiểm đến tính mạng.

vetmo

Trong một bài đăng trên báo An ninh Thủ đô, theo các số liệu thống kê cho thấy: 76% số người chửa tại sẹo mổ cũ có thai lại sau đó, trong đó 88% là có thai tự nhiên và 95% là thai nằm trong tử cung. Chỉ có 5% là gặp lại hiện tượng này.

Người chửa trên vết mổ cũ sẽ phải đối diện với các nguy cơ như băng huyết (nếu sảy thai tự nhiên), vỡ tử cung hoặc phải cắt bỏ tử cung, thậm chí là tử vong nếu không đuợc phát hiện kịp thời.

Bác sĩ Hồ Mai Hoa - giảng viên Quốc gia về Sức khỏe sinh sản, Sức khỏe tình dục, cho biết, việc chửa trên vết mổ đẻ cũ là hình thái làm tổ sai vị trí của trứng.

Thông thường, sau khi được thụ tinh, trứng sẽ bám vào vùng đáy tử cung - nơi có “diện tích” rộng rãi và lớp cơ tử cung đủ dày để làm tổ và sinh trưởng. Tuy nhiên, vì một lý do bất thường nào đó, trứng lại “mắc kẹt” ở eo tử cung - nơi có vết sẹo mổ trước và phát triển thành túi thai.

Túi thai này trong quá trình sinh trưởng sẽ bám vào cơ tử cung. Do lớp cơ này mỏng nên các gai ở bánh nhau có thể xuyên vào bàng quang, dẫn đến tử cung bị vỡ. Không chỉ vậy, do mô sẹo không thể co giãn và mềm mại bằng mô thường nên nếu thai làm tổ ở đây, nó dễ làm rách vết mổ. Không gian ở đây chật hẹp, dù không làm tổn thương cơ tử cung thì thai nhi cũng dễ bị sảy hoặc phát triển không tốt.

Thai làm tổ trên vết mổ cũ đuợc phát hiện lần đầu tiên tại Anh vào năm 1978. Kể từ thời điểm đó, các bác sĩ bắt đầu quan tâm đến hiện tuợng này và liệt nó vào biến chứng thai sản nguy hiểm, dù trên thực tế chỉ có khoảng 1% gặp phải biến chứng này.

Lan Anh

Cùng chuyên mục

Những điều cần biết khi cấy que tránh thai

Cấy que tránh thai là một phương pháp tránh thai hiện đại, có độ tin cậy cao và đang là sự lựa chọn của rất...

Những điều cần biết về vòng tránh thai nội tiết

Vòng tránh thai nội tiết có chứa progesterone, hormone này giúp ngăn chặn hoạt động của chu kỳ nội mạc tử cung do...

Những lưu ý trong đặt vòng tránh thai

Đặt vòng là phương pháp được sử dụng rộng rãi vì chi phí hợp lý, thủ thuật đơn giản và hiệu quả cao, an...

Những điều cần biết về thuốc tiêm tránh thai

Y học phát triển kèm theo các dự luật về kế hoạch hóa gia đình cũng như sự cởi mở trong lối sống khiến cho nhu...