Phương tiện tránh thai: Từng bước thay đổi thói quen của người dân từ miễn phí sang tự chi trả

Thứ Năm, 14/11/2019 03:08 PM (GMT+7)

Theo ông Phan Văn Giáp - Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Khánh Hòa, việc triển khai mô hình tiếp thị phương tiện tránh thai là việc làm cần thiết, phù hợp trong giai đoạn này để từng bước thay đổi thói quen của người dân từ miễn phí sang tự chi trả, góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước

tranh-thai

Công tác truyền thông dân số ở Khánh Hòa. Báo Khánh Hòa

Ngày 25/5/2019, Chi Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Khánh Hòa đã tham mưu Sở Y tế văn bản về việc triển khai Quyết định số 718/QĐ – BYT; đồng thời kèm Kế hoạch thực hiện Đề án "Tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ, SKSS đến năm 2030 tại Khánh Hòa", trong đó số địa bàn triển khai đề án duy trì 6/6 huyện, thị xã, thành phố với 41 xã, phường, thị trấn và tiếp tục mở rộng số xã triển khai đề án lên 110 xã.

Chương trình tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai bao gồm 5 sản phẩm: bao cao su Night Happy, Yes, viên uống tránh thai Night Happy, Love Pill, vòng tránh thai Ideal, dung dịch vệ sinh đa năng…

Theo lãnh đạo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh, các sản phẩm này được phân phối theo cấp: chi cục điều hành, trung tâm DS-KHHGĐ huyện, thị xã, thành phố tổ chức và thực hiện, phân bổ chỉ tiêu cho các địa phương. Cấp xã thiết lập kênh phân phối cộng đồng thông qua hệ thống các trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực, phòng khám tư nhân trên địa bàn. Cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số trực tiếp vận động, lập danh sách khách hàng có nhu cầu; phối hợp cán bộ y tế thực hiện tư vấn, cung cấp dịch vụ cho khách hàng sử dụng.

Để thực hiện có hiệu quả Đề án, Chi cục đã chủ động lồng ghép nội dung Chương trình xã hội hóa vào trong các lớp tập huấn các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số (Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh, mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh); đã tổ chức 15 lớp tập huấn có trên 910 người tham dự. Cùng với đó là gần trăm buổi tập huấn cho các địa phương tại các huyện nhằm đáp ứng nhu cầu về KHHGĐ, chăm sóc SKSS cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, nam nữ chuẩn bị kết hôn.

Nhờ vậy mà sau một thời gian triển khai chương trình, người dân các địa phương đã dần dần chấp nhận. Theo ông Đỗ Trọng Cư - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Diên Khánh cho biết, thời gian đầu người dân còn quen được cấp miễn phí nhưng nhờ vào uy tín của chính đội ngũ cán bộ dân số, sự phối hợp nhịp nhàng trong công tác truyền thông giới thiệu sản phẩm nên các sản phẩm đã bán tăng lên. Năm 2013 bán được 18.000 bao cao su, 3.200 vỉ thuốc tránh thai; năm 2014 lên 49.000 chiếc bao cao su và 9.300 vỉ thuốc tránh thai. Tuy nhiên từ năm 2015 đến nay, nguồn hàng liên tục bị gián đoạn nên các sản phẩm tiếp thị xã hội bán ra ít.

Trong toàn tỉnh năm 2017 bán được 11.520 bao cao su Hello; 11.500 bao cao su Hello plus. Theo ông Phan Văn Giáp - Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, việc triển khai mô hình tiếp thị phương tiện tránh thai là một việc làm cần thiết, phù hợp trong giai đoạn này để từng bước thay đổi thói quen của người dân từ miễn phí sang tự chi trả, vừa góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, vừa tạo cho người dân ý thức chủ động trong việc phòng tránh thai. Những sản phẩm tiếp thị xã hội Nhà nước vẫn trợ giá 50% nên được người sử dụng chấp nhận. Nhưng đến nay, kết quả vẫn chưa được như mong muốn.

Nguyên nhân là vẫn còn đối tượng ưu tiên được cấp phương tiện tránh thai miễn phí nên một bộ phận người dân chưa chấp nhận bỏ tiền để thực hiện KHHGĐ. Các loại phương tiện tránh thai tiếp thị xã hội còn đơn điệu. Nguồn cung cấp phương tiện tránh thai lại không ổn định, có thời điểm bị gián đoạn nên khách hàng có khi phải dùng sản phẩm khác thay thế rồi không quay lại nữa… Cùng với đó, hoa hồng bán lẻ tại tuyến xã còn thấp nên đội ngũ cộng tác viên chưa nhiệt tình trong công tác tiếp thị tại cơ sở. Kỹ năng, kinh nghiệm của đội ngũ làm công tác tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai cũng còn hạn chế.

Để chương trình thực hiện đạt hiệu quả, thời gian tới, Chi Cục Dân số - KHHGĐ Khánh Hòa đã đề ra nhiều giải pháp. Trong đó, việc truyền thông, quảng cáo các phương tiện tránh thai trên tất cả các kênh được chú trọng, đảm bảo nguồn cung ứng không bị gián đoạn. Đồng thời tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng truyền thông, tư vấn cho đội ngũ tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai tại các tuyến.

Duyen

Cùng chuyên mục

Kết quả thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới

Kết quả thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII...

Công tác dân số năm 2024: Nhiều hoạt động tạo sự lan toả tốt tới cộng đồng, người dân

Sáng ngày 27/12/2024, tại Hà Nội, Cục Dân số, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tổng kết công tác dân số năm 2024,...

Hội nghị tổng kết công tác dân số năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025

Ngày 27/12, Cục Dân số tổ chức Hội nghị tổng kết công tác dân số năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Tham...

Tham vấn chính sách duy trì mức sinh thay thế tại Việt Nam

Ngày 11/12/2024 tại Hà Nội, Cục Dân số (Bộ Y tế) phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức hội...