Còn nhiều rào cản trong việc đảm bảo an ninh phương tiện tránh thai

Thứ Sáu, 10/05/2019 06:30 AM (GMT+7)

Theo điều tra đánh giá về các mục tiêu trẻ em và phụ nữ (MICS) năm 2014, cứ 100 phụ nữ từ 15-49 tuổi đã kết hôn thì có 6 người không được đáp ứng nhu cầu KHHGĐ.

tranh-thai

Sửa đổi, bổ sung tiến tới hoàn thiện các văn bản, chính sách liên quan đến nhập khẩu, phân phối và lưu thông các phương tiện tránh thai (PTTT); khuyến khích xã hội hóa, thúc đẩy thị trường PTTT tại Việt Nam và nâng cao năng lực hệ thống cung ứng PTTT… là những nội dung trọng tâm tại Hội thảo An ninh phương tiện tránh thai do Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNFPA) vừa tổ chức tại Hà Nội.

Nhu cầu về tránh thai chưa được đáp ứng

Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện cải thiện sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình (SKSS/ KHHGĐ) và tăng cường sử dụng các PTTT hiện đại. Theo đó, số người sử dụng các PTTT tiếp tục tăng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chúng ta vẫn đang gặp phải những khó khăn nhất định trong việc đảm bảo các PTTT an toàn, chất lượng đáp ứng cho nhu cầu ngày càng cao của người dân.

Tại Hội thảo ngày 7/5, ông Nguyễn Đình Chung, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê xã hội và môi trường (Tổng cục Thống kê) cho biết: Hiện nay, nhu cầu chưa được đáp ứng về các dịch vụ KHHGĐ cũng như việc sử dụng các PTTT của người dân còn khá lớn. Theo điều tra đánh giá về các mục tiêu trẻ em và phụ nữ (MICS) năm 2014, cứ 100 phụ nữ từ 15-49 tuổi đã kết hôn thì có 6 người không được đáp ứng nhu cầu KHHGĐ.

Trong đó, miền núi trung du phía Bắc và Tây Nguyên là 2 vùng có nhu cầu về PTTT chưa được đáp ứng cao nhất trên khắp cả nước. Bên cạnh đó, những người từ 15-24 tuổi thuộc nhóm có nhu cầu chưa được đáp ứng cao nhất. Điều tra cũng chỉ ra rằng, nhu cầu chưa được đáp ứng về các dịch vụ KHHGĐ tăng cao ở các nhóm dân tộc ít người. Mặt khác, điều này có xu hướng giảm xuống tại những nơi có mức sống cao.

Ông Mai Trung Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô dân số (Tổng cục DS-KHHGĐ) cũng chỉ ra rằng, việc cung ứng các PTTT ở nước ta hiện nay mới chỉ tập trung hỗ trợ nhóm phụ nữ trong độ tuổi từ 15-49 có chồng mà chưa chú trọng đúng mức về sử dụng các biện pháp tránh thai của phụ nữ 15-49 tuổi nói chung (có thể chưa chồng) của vị thành niên, thanh niên (VTN/TN) và của nhóm người di cư.

Theo ông Sơn, các PTTT chủ yếu vẫn là dụng cụ tử cung, bao cao su, viên uống tránh thai. Các PTTT khác (thuốc tiêm, que cấy tránh thai) còn ít làm giảm cơ hội lựa chọn cho người sử dụng. Trong khi đó, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi) ở nước ta tiếp tục tăng trong những năm tới. Điều này dẫn đến nhu cầu sử dụng các PTTT, nhất là các PTTT hiện đại ngày càng cao và đa dạng.

Hơn nữa, thực trạng tuổi dậy thì có xu hướng sớm hơn trước kia, đồng thời tuổi quan hệ tình dục lần đầu ngày càng giảm dẫn đến nhu cầu sử dụng các biện pháp tránh thai cũng có chiều hướng gia tăng. Do đó, việc thiếu hụt nguồn PTTT sẽ gây ra rất nhiều những hậu quả nghiêm trọng như: Tăng tình trạng có thai ngoài ý muốn, nạo phá thai, vô sinh thứ phát và tử vong bà mẹ, trẻ em liên quan đến việc mang thai.

Cơ chế quản lý PTTT còn nhiều khoảng trống

Theo ông Mai Trung Sơn, mặc dù được Chính phủ quan tâm cùng sự nỗ lực của ngành Dân số, nhưng thời điểm hiện tại, vẫn xảy ra tình trạng thiếu PTTT đáp ứng nhu cầu của người dân. Nguyên nhân là do ngân sách Nhà nước cho chương trình DS-KHHGĐ và PTTT ngày càng giảm. Trong khi đó, nhu cầu của người dân lại tiếp tục tăng, đặc biệt là các PTTT ngắn hạn như bao cao su, viên uống tránh thai.

Bên cạnh đó, chúng ta đang gặp phải một số vướng mắc trong các văn bản, chính sách quy định về PTTT cũng như việc nhập khẩu, phân phối nguồn PTTT trên thị trường. Cụ thể, trong Thông tư số 24/2011/TT-BYT quy định về nhập khẩu trang thiết bị y tế chưa bao gồm hết các loại PTTT, theo đó, chỉ có dụng cụ tử cung là sản phẩm thuộc nhóm “thiết bị, vật liệu cấy ghép lâu dài (trên 30 ngày) vào cơ thể”.

Các PTTT khác như bao cao su, màng Film.. muốn nhập khẩu chỉ cần có hồ sơ pháp lý và hồ sơ kỹ thuật khi làm thủ tục hải quan, do vậy khó bảo đảm chất lượng các PTTT này. Trong khi hiện nay, thị trường PTTT tư nhân đang nở rộ, việc kiểm soát nguồn gốc và chất lượng các loại này (nhất là bao cao su, viên uống tránh thai) gặp rất nhiều hạn chế và bất cập.

Bên cạnh đó, theo quy định mới về dạnh mục thuốc không kê đơn (theo Thông tư số 07/2017/TT-BYT) thì viên uống tránh thai khi phân phối phải được người có chuyên môn dược thực hiện, trong khi đó, lâu nay, điều này được thực hiện bởi đội ngũ CTV dân số (thường không có chuyên môn dược). Do đó, thực hiện theo quy định mới nghĩa là chúng ta vô hình chung mất đi một đội ngũ CTV tư vấn và phân phối viên uống tránh thai đến người dân.

Ngoài ra, cũng theo ông Sơn, hiện nay, chúng ta vẫn chưa ban hành quy chuẩn quốc gia về các PTTT cũng như chưa có các chính sách khuyến khích thúc đẩy thị trường PTTT và các dịch vụ KHHGĐ. Mặt khác, các quy định về nhập khẩu thuốc tránh thai cũng đang là rào cản lớn tác động đến sự thiết hụt nguồn PTTT. Hiện tại, nước ta vẫn chưa nhập khẩu được thuốc tiêm, cấy tránh thai.

Ở một góc độ khác, đại diện một số Chi cục DS-KHHGĐ các địa phương đã chỉ ra rằng, tâm lý quen dùng hàng miễn phí, bao cấp của Nhà nước và “ngại” dùng các biện pháp tránh thai hiện đại cũng khiến việc sử dụng các PTTT bị hạn chế. Hơn nữa, công tác tổ chức bộ máy làm công tác dân số từ tuyến huyện đến cơ sở trong thời gian qua có nhiều biến động, xáo trộn, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của các cán bộ dân số cũng như đội ngũ CTV trong công tác chuyên môn, nhất là việc tuyên truyền, quảng bá và tư vấn các PTTT, dịch vụ KHHGĐ đến với người dân.

Đảm bảo an ninh PTTT là vô cùng cần thiết

 Theo nghiên cứu của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNFPA), nếu thiếu 1 triệu USD (tương đương khoảng 23 tỷ đồng) trong việc hỗ trợ PTTT sẽ dẫn đến hậu quả làm tăng thêm 360.000 ca có thai ngoài ý muốn; 150.000 ca nạo phá thai; 800 ca tử vong mẹ và 11.000 ca tử vong trẻ sơ sinh.

Do đó, việc đảm bảo an ninh PTTT không chỉ phòng tránh thai ngoài ý muốn mà còn góp phần giảm nạo phá thai, giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ em và phòng chống các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, HIV. Bên cạnh đó, an ninh PTTT đảm bảo cho mọi khách hàng, không phân biệt tuổi, giới tính, tình trạng hôn nhân, vị thế xã hội, điều kiện kinh tế và điều kiện sống đều có thể tiếp cận, lựa chọn, sử dụng PTTT đảm bảo chất lượng khi họ có nhu cầu.

Tại Hội thảo, các vị đại biểu đã đưa ra khuyến nghị, trong thời gian tới, cần tiến hành sửa đổi, bổ sung, tiến tới hoàn thiện các chính sách, văn bản pháp lý liên quan đến nhập khẩu, phân phối và lưu thông các PTTT trên thị trường; nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa và thúc đẩy thị trường PTTT tại Việt Nam; khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư, sản xuất, phân phối, cung cấp dịch vụ KHHGĐ và PTTT để đa dạng hóa các PTTT làm tăng cơ hội lựa chọn phù hợp cho người sử dụng.

Bên cạnh đó, tổ chức thí điểm và hoàn thiện mô hình cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ thân thiện cho VTN/TN; dân di cư và các nhóm đặc thù; nâng cao năng lực hệ thống cung ứng dịch vụ KHHGĐ và PTTT trong tất cả các kênh cung ứng, nhất là kênh cung ứng dịch vụ KHHGĐ dựa vào mạng lưới y tế nhằm đáp ứng nhu cầu của mọi người dân. Mặt khác, tăng cường phối hợp liên ngành để kiểm soát nguồn gốc và chất lượng các PTTT trên thị trường.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số nhấn mạnh: “Hiện nay, vẫn còn 4/6 vùng trên cả nước chưa đạt mức sinh thay thế, do đó, thực hiện KHHGĐ (trong đó có việc cung ứng các phương tiện tránh thai) vẫn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác dân số thời gian tới”.

Duyen

Cùng chuyên mục

Kết quả thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới

Kết quả thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII...

Công tác dân số năm 2024: Nhiều hoạt động tạo sự lan toả tốt tới cộng đồng, người dân

Sáng ngày 27/12/2024, tại Hà Nội, Cục Dân số, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tổng kết công tác dân số năm 2024,...

Hội nghị tổng kết công tác dân số năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025

Ngày 27/12, Cục Dân số tổ chức Hội nghị tổng kết công tác dân số năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Tham...

Tham vấn chính sách duy trì mức sinh thay thế tại Việt Nam

Ngày 11/12/2024 tại Hà Nội, Cục Dân số (Bộ Y tế) phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức hội...