Nâng tỷ lệ sinh tại Việt Nam

Thứ Năm, 13/02/2025 10:19 AM (GMT+7)

Năm 2024, mức sinh của Việt Nam thấp nhất trong lịch sử là 1,91 con/phụ nữ. Nếu không có những điều chỉnh chính sách, những giải pháp kịp thời để đưa mức sinh tăng trở lại, lý tưởng nhất là đạt mức sinh thay thế, thì thay đổi dân số Việt Nam có thể ảnh hưởng tới quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhiều gia đình trẻ ở Việt Nam hiện nay chỉ sinh một con. Ảnh: HẢI NAM

Nhiều gia đình trẻ ở Việt Nam hiện nay chỉ sinh một con. Ảnh: HẢI NAM

Áp lực về kinh tế, công việc, nhà ở khiến nhiều cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ phải cân nhắc trong việc sinh con. Thậm chí nhiều cặp vợ chồng kết hôn đã 4 - 5 năm nhưng vẫn không muốn sinh con. Những điều này dẫn đến mức sinh của Việt Nam trong năm 2024 thấp nhất từ trước đến nay.

Mức thấp nhất trong lịch sử

Sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh, chị Tuyết Hằng chia sẻ, dù con gái đã được 7 tuổi nhưng gia đình vẫn chưa có nhu cầu con thứ 2. Bởi, hiện tại vẫn đang ở trọ, thu nhập chỉ đủ tiền thuê nhà, sinh hoạt phí và tiền học cho con, nên hai vợ chồng chưa muốn sinh thêm. “Với cuộc sống hiện nay, tôi muốn đầu tư tương lai cho con phát triển về mọi mặt, chứ không chỉ dừng lại ở mức ăn no mặc ấm”.

Trong khi đó, chị Tú Quyên sống tại Hà Nội cho hay, dù đã cưới nhau được gần 5 năm nhưng hai vợ chồng muốn tập trung cho công việc, ổn định kinh tế, cuộc sống, mua nhà và khi nào có điều kiện tốt nhất thì mới sinh con. Chỉ khi kinh tế ổn định thì con sinh ra mới được chăm sóc chu đáo, đầy đủ mà không phải nơm nớp lo lắng. “Chúng tôi dự định khoảng 1-2 năm nữa sẽ sinh con và quan điểm là sinh một cháu”.

Kể từ năm 2009 đến năm 2022, trong suốt gần 15 năm, mức sinh của Việt Nam giữ trạng thái tương đối ổn định chung quanh mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ). Tuy nhiên, trong hai năm gần đây, 2023-2024, mức sinh ở Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu giảm nhanh hơn. Năm 2023, tổng tỷ suất sinh (TFR) của Việt Nam là 1,96 con/phụ nữ và giảm tiếp xuống còn 1,91 con/phụ nữ vào năm 2024 - mức thấp nhất trong lịch sử và ngược xu hướng sinh nhiều vào năm đẹp như năm thìn (con rồng).

Chỉ ra nguyên nhân, Bộ Y tế cho biết, đầu tiên là điều kiện sống được cải thiện, học vấn ngày càng được nâng cao. Những người trẻ, các cặp vợ chồng có nhu cầu phát triển sự nghiệp, tìm kiếm việc làm tốt để có thu nhập và chất lượng cuộc sống tốt hơn. Đồng thời họ cũng có nhu cầu tận hưởng cuộc sống và thành quả của sự phát triển nhiều hơn. Ngoài ra, sức ép kinh tế đối với một gia đình trẻ như chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi dưỡng và giáo dục con cái từ khi sinh ra đến khi trưởng thành ngày càng cao. Tiếp theo là do các chính sách, biện pháp hỗ trợ các gia đình có con nhỏ tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, dù đã được quan tâm song vẫn còn nhiều hạn chế.

Còn theo GS, TS Giang Thanh Long, giảng viên cao cấp, Đại học Kinh tế quốc dân, thời gian tới, tốc độ giảm sinh tại Việt Nam có thể còn cao hơn, hiện một đứa trẻ sinh ra được bao bọc bởi bố mẹ và 4 ông bà nội ngoại, song khi trưởng thành phải gánh vác chăm sóc cùng lúc 6 người cao tuổi, bởi không có anh chị em hỗ trợ. Không thể bỏ rơi ông bà, bố mẹ và cũng phải lo cho chính bản thân mình nên việc quyết định có con trong áp lực trách nhiệm lớn như vậy sẽ khiến nhiều người ngại đẻ hoặc không sinh thêm con. Khi mức sinh giảm thấp sẽ gây ra nhiều hệ lụy, bao gồm: thiếu hụt lực lượng lao động làm giảm khả năng cạnh tranh kinh tế, đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số khiến chi phí chăm sóc sức khỏe và chi phí xã hội khác cao hơn và ít người tiêu dùng hơn dẫn đến tăng trưởng kinh tế thấp hơn và mức sống giảm đi.

Kinh nghiệm nhiều quốc gia trên thế giới như: châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... cho thấy, khi mức sinh đã giảm thì khó có xu hướng tăng trở lại. Năm 2022, các nước OECD có TFR là 1,5 con/phụ nữ; Nhật Bản là 1,26 con/phụ nữ; Hàn Quốc: 0,78 con/phụ nữ. Vì vậy, nếu Việt Nam không sớm có những chính sách kịp thời, mức sinh sẽ tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo.

Nỗi lo dân số tăng trưởng âm

Bộ Y tế dự báo, dân số Việt Nam thời kỳ 2019-2069, trong trường hợp mức sinh giảm mạnh như phương án thấp thì sau năm 2054, dân số bắt đầu tăng trưởng âm và mức giảm ngày càng lớn. Giai đoạn 2054-2059, bình quân mỗi năm dân số giảm 0,04%, mức giảm ở cuối thời kỳ dự báo (2064-2069) là 0,18%/năm, tương đương Việt Nam giảm bình quân 200.000 người mỗi năm. Ngược lại, nếu mức sinh thay thế vẫn được duy trì ổn định trong suốt thời kỳ dự báo thì đến cuối thời kỳ này, dân số vẫn tăng nhẹ. Bình quân mỗi năm giai đoạn 2064-2069, dân số tăng 0,17%, tương đương 200.000 người mỗi năm. Kịch bản này, với xu thế sinh giảm hiện nay, khả năng khó xảy ra.

Vì vậy, mới đây, Bộ Y tế đã có đề xuất không xử lý kỷ luật với đảng viên sinh con thứ 3 trở lên. Cùng với đó, trong 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, nhiều địa phương đã đưa ra các giải pháp nhằm khuyến khích phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi. Cụ thể, TP Hồ Chí Minh (địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước) đã có chính sách hỗ trợ 3 triệu đồng với phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi. Một số địa phương khác hỗ trợ trung bình 1 triệu đồng đối với các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con trước 35 tuổi. Riêng tỉnh Hậu Giang còn hỗ trợ một lần chi phí khám sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh theo giá dịch vụ y tế tại các cơ sở công lập; hỗ trợ một lần 1,5 triệu đồng tiền viện phí...

Tuy vậy, GS, TS Giang Thanh Long lại cho rằng, để thực hiện khuyến sinh không đơn giản chỉ là sự thay đổi về số con, hỗ trợ chỉ một lần mà quan trọng nhất vẫn là những chế độ hỗ trợ lâu dài cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi kết hôn và sinh con để họ có thể nuôi dạy con cái trong điều kiện phát triển tốt nhất. Trên thế giới, nhiều quốc gia có mức sinh giảm thấp đã liên tục đưa ra các biện pháp ngăn đà giảm, như tại Hàn Quốc (kỷ lục về tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới), chính phủ tăng gấp ba lần số tiền chi trả cho hoạt động khuyến sinh, tăng mạnh trợ cấp để khuyến khích các gia đình sinh thêm con. Trong khi đó, Nhật Bản đang triển khai các biện pháp chưa từng có nhằm thay đổi xu hướng giảm dân số như thành lập cơ quan trẻ em và gia đình, cam kết tăng gấp đôi trợ cấp cho trẻ em. Còn tại Hungary, phụ nữ sinh 4 con trở lên không phải đóng thuế thu nhập cá nhân suốt đời.

Vì vậy, Việt Nam cần nhanh chóng xem xét và đưa ra các chính sách một cách đồng bộ. “Ngoài bảo đảm thu nhập người lao động cao hơn, cần phải kết hợp với nhiều chính sách khác như trợ cấp hằng tháng, tăng thời gian thai sản, hỗ trợ chính sách về thuê nhà hay mua nhà, dịch vụ chăm sóc trẻ nhỏ, phí giáo dục và y tế”.

Bộ Y tế đang trình Chính phủ hồ sơ xây dựng Luật Dân số, dự kiến trình Quốc hội trong năm 2025. Trong đó, nội dung duy trì mức sinh thay thế là chính sách quan trọng trong dự luật với 4 biện pháp duy trì mức sinh thay thế. Thứ nhất, đề xuất hỗ trợ một lần bằng tiền khi phụ nữ sinh con thứ 2. Cùng đó, đề xuất miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học... Thứ hai, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình được hưởng các chính sách khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực y tế. Thứ ba, xây dựng môi trường, cộng đồng phù hợp tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, chăm sóc và nuôi dạy con tốt, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên gia đình. Cuối cùng, quy định trách nhiệm xã hội của người sử dụng lao động đối với người lao động nuôi con nhỏ và các biện pháp khác.

Theo Báo Nhân dân

Cùng chuyên mục

Thông báo về Sơ kết thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW và sửa đổi các quy định liên quan đến chính sách dân số

Ngày 17/02/2025, Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Công văn số 13421-CV/VPTW về việc sơ kết thực hiện...

Cục Dân số làm việc với đối tác Nhật Bản về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Ngày 19/02, Cục Dân số có buổi tiếp và làm việc với đại diện công ty Espoir, Nhật Bản về việc phát triển...

Già hoá dân số: Cơ hội và thách thức

Việt Nam còn khoảng 15 năm để bước vào giai đoạn dân số già. Theo các chuyên gia, già hóa dân số mang đến cả cơ...