Tiết lộ về tỉnh có phụ nữ "lười đẻ" nhất cả nước

Thứ Sáu, 26/04/2019 05:51 PM (GMT+7)

Đồng Tháp là tỉnh có mức sinh thấp nhất Việt Nam. Mỗi phụ nữ ở đây chỉ sinh 1,34 con. Trong khi mức sinh trung bình ở Việt Nam hiện là 2,05 con.

phu-nu-luoi-de

Tại Hội thảo Định hướng Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, ông Đinh Thái Hà – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính (Tổng cục Dân số - Bộ Y tế) cho biết, quy mô dân số Việt Nam hiện ở mức khoảng 95 triệu người, tốc độ gia tăng dân số hàng năm ở mức trên 1%.

Ông Hà cho hay quy mô dân số Việt Nam hiện đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, thứ 8 Châu Á và thứ 14 trên thế giới.

Điều đáng nói là trong khi nhiều tỉnh có tốc độ phát triển dân số hàng năm thấp, thậm chí khoảng 0% thì một số tỉnh, thành phố có kinh tế tương đối phát triển thì lại có tốc độ gia tăng dân số cao, thậm chí vượt 2%.

Số liệu của Tổng cục Thống kê đến hết năm 2017 cho thấy, tỷ lệ tăng dân số ở Nam Định chỉ 0,04%, Thái Bình và An Giang là 0,09%. Trong khi, tỷ lệ này ở Bình Dương là 3.76%, Bắc Ninh là 3.11% và Đồng Nai là 2,21%.

Trên toàn quốc, một số thành phố có quy mô dân số lớn, khoảng 8 triệu người và sẽ trở thành các siêu đô thị trong thời gian gần.

Ngược lại, một số tỉnh như Bắc Kạn, Lai Châu, Kon Tum, Cao Bằng, Điện Biên, quy mô dân số chỉ khoảng từ 0,3 triệu – 0,5 triệu người.

Đến hết năm 2017, có tới 18 tỉnh có mức sinh thấp hơn 1,8 con. Trong đó, vùng Đông Nam bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh dưới 1,8 con, chiếm gần 37% dân số cả nước.

Những tỉnh có mức sinh dưới 1,6 con như: Đồng Tháp (1,34 con); TP HCM (1,36 con), Bà Rịa – Vũng Tàu (1,37 con); Hậu Giang (1.53 con)…

Khi mức sinh dưới 1,6 con, các chuyên gia khẳng định là tỷ lệ rất thấp. Nhiều địa phương bày tỏ sự lo ngại vì nếu kéo dài, sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ như già hoá dân số, thiếu hụt lao động.

Trên thực tế, tại TP HCM, nơi có mức sinh 1,36 con, khoảng 70% lao động nhập cư từ khắp các tỉnh, thành phố cả nước đổ về, quản lý an ninh gặp nhiều khó khăn.

Cùng đó, mức sinh xuống thấp cũng tạo cho người trẻ áp lực vì chăm sóc người già. Khi người là con một trong gia đình phải tập trung chăm sóc cho cha mẹ, ông bà, thay vì được san sẻ công việc này nếu có anh chị em.

Ông Mai Trung Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô dân số (Tổng cục Dân số) cho hay, trong khi các tỉnh phía Nam mức sinh có xu hướng liên tục giảm thì ở phía Bắc mức sinh không ổn định dù trước đó đã đạt mức sinh thay thế. Một số tỉnh phía Bắc, mức sinh lại tăng cao trở lại, trên 2.5 con.

Điều tra biến động dân số - KHHGĐ năm 2017 chỉ ra, mỗi phụ nữ trong tuổi sinh đẻ ở Hà Tĩnh sinh trung bình 3,24 con, Nghệ An (2,87 con), Lai Châu (2,86 con), Điện Biên (2,84 con), Quảng Trị (2,83 con)...

Một trong những mục tiêu đầu tiên được đặt ra trong dự thảo Chiến lược Dân số Việt Nam tới năm 2030 là duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng.

Theo đó, giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn – thành thị, miền núi – đồng bằng; 50% số tỉnh đạt mức sinh thay thế.

Duyen

Cùng chuyên mục

Thông báo về Sơ kết thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW và sửa đổi các quy định liên quan đến chính sách dân số

Ngày 17/02/2025, Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Công văn số 13421-CV/VPTW về việc sơ kết thực hiện...

Cục Dân số làm việc với đối tác Nhật Bản về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Ngày 19/02, Cục Dân số có buổi tiếp và làm việc với đại diện công ty Espoir, Nhật Bản về việc phát triển...

Già hoá dân số: Cơ hội và thách thức

Việt Nam còn khoảng 15 năm để bước vào giai đoạn dân số già. Theo các chuyên gia, già hóa dân số mang đến cả cơ...