Số trẻ sinh ở Trung Quốc năm 2018 giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai thập kỷ, báo hiệu thách thức kinh tế và xã hội mới.
"2018 sẽ là một năm bước ngoặt lịch sử với dân số Trung Quốc. Dân số Trung Quốc bắt đầu suy giảm, tình trạng già hóa dân số bắt đầu tăng nhanh, sức mạnh kinh tế bắt đầu suy yếu", SCMP hôm nay dẫn nhận định của hai nhà nghiên cứu Yu Fuxian và Su Jian.
Theo Yu, nghiên cứu viên Đại học Wisconsin-Madison, và Su, nhà kinh tế học ở đại học Bắc Kinh, dân số Trung Quốc từng chiếm gần một phần ba dân số thế giới, nhưng nền dân số đó đang suy giảm thành một nhóm nhỏ những người già yếu do chính sách nhân khẩu học sai lầm.
Báo cáo gần đây do Global Times công bố cho thấy số trẻ sinh ra ở Trung Quốc năm 2018 giảm xuống dưới 15 triệu, thấp hơn hai triệu so với 2017. Con số này cũng thấp hơn nhiều so với 20 triệu ca sinh mà cơ quan kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc từng dự đoán trong năm qua.
Cục Thống kê Trung Quốc sẽ công bố số liệu sinh trên toàn quốc năm 2018 vào cuối tháng này. Tuy nhiên, dữ liệu từ các cơ quan y tế địa phương cho thấy tỷ lệ sinh đã giảm đáng kể.
Tỉnh Sơn Đông, một trong những tỉnh đông dân nhất Trung Quốc, trong 11 tháng đầu năm 2018 chỉ có 64.753 ca sinh ở thành phố Liễu Thành, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2017. Ở Thanh Đảo, một thành phố khác thuộc tỉnh Sơn Đông, số trẻ sinh ra từ tháng 1 tới tháng 11 năm 2018 đã giảm 21% so với cùng kỳ năm 2017.
Hua Changchun, nhà kinh tế học thuộc công ty đầu tư Guotai Junnan, tính toán rằng số ca sinh trên toàn Trung Quốc có thể dưới 14 triệu tỷ lệ sinh trung bình trên toàn quốc giảm 20%.
"Tỷ lệ sinh giảm mạnh có thể là khởi đầu cho một kỷ nguyên mới kéo dài, trong đó dân số bị co lại", Hua nói. Quá trình già hóa xã hội nhanh chóng thể hiện bằng việc tỷ lệ sinh giảm, nhóm người trong độ tuổi 20 tới 50 suy giảm và dân số lớn tuổi tăng, đã bắt đầu ở Trung Quốc và dự kiến sẽ tác động tới kinh tế.
Khi bãi bỏ chính sách một con được áp dụng nghiêm ngặt suốt hàng chục năm và khuyến khích sinh hai con năm 2016, Trung Quốc từng dự đoán tỷ lệ sinh sẽ tăng. Nhưng sau nhiều thập niên bùng nổ kinh tế và kiểm soát sinh nở chặt chẽ, người dân tỏ ra lưỡng lự hơn khi sinh thêm con so với dự đoán.
Ren Zeping, chuyên gia kinh tế của tập đoàn bất động sản Evergrande, tuần này viết một bài báo, lưu ý rằng Trung Quốc đang bước vào "khủng hoảng nhân khẩu học" trong bối cảnh việc khuyến khích người dân sinh thêm con thất bại.
"Trung Quốc phải lập tức dỡ bỏ mọi biện pháp tránh thai và khuyến khích người dân sinh con", Ren viết.
Trong nỗ lực mới nhất để cải thiện tỷ lệ sinh, Hiệp hội Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc tuyên bố sẽ "tập trung vào vấn đề chăm sóc thai sản và sức khỏe gia đình" để khuyến khích người dân sinh thêm con.
Phụ nữ Trung Quốc không muốn sinh con vì áp lực lớn
Khảo sát do trang tuyển dụng trực tuyến lớn nhất Trung Quốc Zhaopin.com thực hiện năm ngoái cho thấy 40% số lao động nữ tại quốc gia đông dân nhất thế giới không muốn sinh con, 2/3 số người đã có con không muốn sinh thêm bé thứ hai.
Tại những thành phố lớn như Bắc Kinh hay Thượng Hải, sinh hoạt phí đắt đỏ, giờ làm việc kéo dài và những chi phí liên quan tới việc nuôi dưỡng trẻ tăng cao khiến ngày càng nhiều phụ nữ không muốn sinh con.
Việc nuôi con cũng ảnh hưởng tới điều kiện kinh tế, thậm chí có nguy cơ khiến người lao động mất việc. Khảo sát của Zhaopin cho thấy 33% số phụ nữ bị giảm lương sau sinh, còn 36% bị giáng chức. Hai lý do hàng đầu cho việc không sinh con là "không đủ thời gian và sức lực", "nuôi trẻ quá tốn kém".
Tình trạng lao động nữ không chịu sinh con đang trở thành vấn đề cấp bách hơn tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bởi lẽ dân số Trung Quốc đang già đi nhanh chóng.
Sau hơn 30 năm duy trì chính sách một con, dân số trẻ ở Trung Quốc có xu hướng ít hơn so với dân số già đang tăng, làm giảm khả năng cạnh tranh và tăng gánh nặng lên hệ thống phúc lợi xã hội.
Trong hội nghị tổ chức tại Bắc Kinh hôm 3/1, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) báo cáo về tình hình dân số Trung Quốc và nhận định quốc gia này phải tìm giải pháp đối phó tình trạng suy giảm số người trong độ tuổi lao động và dân số già hóa. CASS nhận định hai yếu tố này có thể gây ra "hậu quả bất lợi với kinh tế và xã hội", theo BBC.
Liên Hợp Quốc ước tính dân số Trung Quốc đang ở mức 1,41 tỷ người. Năm 2015, quốc gia đông dân nhất thế giới này đã chấm dứt chính sách một con nhằm nỗ lực giải quyết hai vấn đề trên. Theo CASS, số người trong độ tuổi lao động ở Trung Quốc đang có xu hướng chững lại và tỷ lệ sinh thấp sẽ gây ra nhiều vấn đề hơn.
Dân số Trung Quốc sẽ đạt đỉnh 1,44 tỷ người vào năm 2029 trước khi bắt đầu thời kỳ suy giảm "không thể ngăn chặn". Tới giữa thế kỷ 21, dân số nước này dự kiến giảm còn 1,36 tỷ, trong đó số người trong độ tuổi lao động giảm gần 200 triệu. Nếu tỷ lệ sinh thấp, dân số Trung Quốc có thể giảm thấp xuống còn 1,17 tỷ vào năm 2065.
Nghiên cứu cũng dự đoán tỷ lệ người phụ thuộc, nghĩa là những người không thể làm việc như người già và trẻ em sẽ gia tăng. Việc nới lỏng chính sách một con sẽ có ích về lâu dài nhưng trong ngắn hạn, nó sẽ tạo ra nhiều người phụ thuộc hơn. Theo những dự báo từng đưa ra, dân số cao tuổi ở Trung Quốc có thể đạt 400 triệu người vào năm 2035, tăng so với 240 triệu người năm 2017.
Theo các dự báo trước, dân số già của Trung Quốc dự kiến đạt 400 triệu người vào cuối năm 2035, cao hơn nhiều so với mức 240 triệu năm 2018.
Cùng chuyên mục
Kết quả thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII...
Sáng ngày 27/12/2024, tại Hà Nội, Cục Dân số, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tổng kết công tác dân số năm 2024,...
Ngày 27/12, Cục Dân số tổ chức Hội nghị tổng kết công tác dân số năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Tham...
Ngày 11/12/2024 tại Hà Nội, Cục Dân số (Bộ Y tế) phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức hội...